Cách đây 31 năm, hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đã xuống đường kêu gọi chính quyền mở rộng tự do dân chủ và giải quyết vấn nạn tham nhũng. Tràn đầy hy vọng cho tương lai của bản thân và đất nước, những sinh viên trẻ tuổi không ngờ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đáp trả họ bằng một cuộc tàn sát đẫm máu bằng quân đội, súng ống và xe tăng.
Ngày nay, không mấy người Trung Quốc biết đến, hoặc “có biết cũng không dám đề cập” đến vụ Thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ. Trong khi đó, thế giới vẫn ghi nhớ sự kiện này như một trong những vụ việc chấn động và bi thương nhất thế kỷ 20.
Hồ Diệu Bang qua đời, biểu tình lan rộng
Ngày 15/4/1989, cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Diệu Bang qua đời ở tuổi 73 vì bệnh tim. Từng là Tổng Bí thư ĐCSTQ từ năm 1982 cho đến khi bị ép từ chức vào 1987, ông Hồ Diệu Bang nhận được nhiều cảm tình từ công chúng nhờ có quan điểm cải cách, khác biệt với nhiều lãnh đạo khác trong ĐCSTQ.

Sau cái chết của ông Bang, người dân Trung Quốc xuống đường dự lễ tang và thương tiếc ông, đồng thời phản đối tình trạng tham nhũng, kêu gọi chính phủ đẩy nhanh tiến độ cải cách dân chủ. Các cuộc biểu tình nổi lên từ Bắc Kinh, dần dần lan sang các thành phố khác trên cả nước.

Ngày 22/4/1989 là ngày diễn ra tang lễ của ông Hồ Diệu Bang. Từ sáng sớm, hơn 80.000 sinh viên của 20 trường đại học đã bắt đầu diễu hành tiến đến Quảng trường Thiên An Môn.
Ngày 23/4, sinh viên từ hơn 20 trường đại học ở Bắc Kinh tuyên bố thành lập một hiệp hội sinh viên tạm thời, gọi là Liên đoàn tự trị của sinh viên Bắc Kinh (hay Liên minh).

Bài báo ‘thêm dầu vào lửa’
Ngày 26/4, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đăng bài xã luận cáo buộc các sinh viên là “bạo loạn”, “phản động” và “làm chính trị”. Bài xã luận khiến những người biểu tình càng thêm bức xúc và khiến nhiều người hơn nữa tham gia vào các cuộc biểu tình.

Biểu tình ngày 27/4
Ngày 27/4, đoàn biểu tình kéo nhau đi khắp thành phố Bắc Kinh, giương cao những tấm biểu ngữ. Hàng trăm ngàn người đứng ngoài cổ vũ và hô vang những khẩu hiệu như “tự do dân chủ muôn năm” cùng với đoàn biểu tình. Sau cuộc diễu hành, những người biểu tình quy tụ về Quảng trường Thiên An Môn, với số người tham gia đã lên đến 150.000 người.

Khi đó, giới lãnh đạo ĐCSTQ chia làm 2 phe, một phe ủng hộ Tổng Bí thư Triệu Tử Dương muốn mềm mỏng, thương lượng với sinh viên. Ngược lại, một phe tán thành Thủ tướng Lý Bằng tìm cách dập tắt cuộc biểu tình bằng mọi giá.
Sinh viên tuyệt thực
Các sinh viên bắt đầu tuyệt thực vào ngày 13/5, hai ngày trước khi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev thăm chính thức Trung Quốc. Biết tin lễ đón Gorbachev có kế hoạch diễn ra trên Quảng trường Thiên An Môn, các thủ lĩnh sinh viên muốn tổ chức tuyệt thực tại đó để yêu cầu chính phủ đáp ứng yêu cầu của họ. Cuộc tuyệt thực đã giành được sự đồng cảm rộng rãi từ dân chúng. Đến chiều ngày 13/5, khoảng 300.000 người đã tập trung tại Quảng trường.

Ngày 15 và 16/5, Gorbachev đến Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Xô-Trung đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ xung đột giữa hai nước. Tuy nhiên, lễ đón đã diễn ra tại sân bay thay vì Quảng trường, nơi các sinh viên đang chiếm đóng.
Lý Bằng gặp các thủ lĩnh sinh viên
Ngày 18/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã gặp các thủ lĩnh sinh viên, gồm Vương Đan, Ngô Nhĩ Khai Hy và các đại diện sinh viên khác tại Đại lễ đường Nhân dân. Là một người có quan điểm cứng rắn, ông Lý Bằng yêu cầu các sinh viên ngừng tuyệt thực và chấm dứt tụ tập tại quảng trường.
Ngược lại, các sinh viên yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải sửa đổi giọng điệu trong bài xã luận của Nhân dân Nhật báo và phải công nhận phong trào sinh viên là một “phong trào yêu nước dân chủ”. Với sự khác biệt như vậy, hai bên đã không đạt được thỏa thuận sau cuộc gặp.
Triệu Tử Dương cảm thông với sinh viên
Tổng Bí thư đương thời Triệu Tử Dương đã đích thân tới Quảng trường, đứng trong đám đông các sinh viên và bày tỏ cảm thông: “Hỡi các sinh viên, chúng tôi đã đến quá muộn. Chúng tôi xin lỗi. Các bạn nói về chúng tôi, chỉ trích chúng tôi, tất cả những điều đó đều cần thiết. Lý do tôi đến đây không phải là để yêu cầu các bạn tha thứ cho chúng tôi. Tất cả những gì tôi muốn nói là các sinh viên đang rất yếu, đây là ngày thứ 7 kể từ khi các bạn tuyệt thực, các bạn không thể tiếp tục như thế này được… Các bạn vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều ngày tháng ở phía trước, các bạn phải sống khỏe mạnh, để nhìn thấy ngày mà Trung Quốc hoàn thành bốn hiện đại hóa. Các bạn không giống chúng tôi, chúng tôi đã già, nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa”.

Đây là lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Triệu. Ngay sau đó, ông bị thanh trừng vì bày tỏ sự mềm yếu trước những người biểu tình, ông bị cách chức và quản thúc tại gia cho đến khi qua đời vào năm 2005.
Thiết quân luật
Ngày 20/5/1989, chính quyền Trung Quốc tuyên bố thiết quân luật, đồng thời huy động khoảng 250.000 binh lính đến thủ đô Bắc Kinh. Các quân nhân và xe tăng thuộc Quân đoàn 27 và 28 được cử tới để kiểm soát thành phố.
Nữ Thần Tự Do
Ngày 29/5, cuộc biểu tình kéo dài khiến nhiều sinh viên kiệt sức, tinh thần của các sinh viên đã lắng xuống.
Lúc 22 giờ 30 cùng ngày, các sinh viên của Học viện Nghệ thuật Trung ương mang tới Quảng trường một bức tượng mà họ làm, được gọi là tượng “Nữ thần Tự do”. Đây là một bức tượng cao 10m bằng thạch cao, được mô phỏng theo tượng Nữ thần Tự do ở New York, Mỹ. Bức tượng này đã tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho các sinh viên.

“Tuyên ngôn tuyệt thực”
Ngày 2/6, giảng viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh Lưu Hiểu Ba, ca sĩ nổi tiếng Đài Loan Hầu Đức Kiến, và hai người nổi tiếng khác tuyệt thực tại Quảng trường Thiên An Môn để ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên. Họ tuyên bố “Tuyên ngôn Tuyệt thực ngày 2/6” và sẽ kéo dài 72 giờ.
Trong lúc đó, giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ quyết định chấm dứt cuộc biểu tình của sinh viên bằng vũ lực.

Cuộc thảm sát bắt đầu
0 giờ ngày 3/6, quân đội đang đóng ở ngoại ô Bắc Kinh được lệnh tiến vào thành phố. Họ được báo một thông tin lừa dối rằng Bắc Kinh đã xảy ra bạo loạn, nhiều người lính bị bắt cóc và giết hại. Sau này những người lính mới hiểu rằng đó chỉ là lời bịa đặt, nhiều người vì điều này mà tới nay vẫn còn dằn vặt trong nước mắt.
1 giờ sáng, sinh viên nhận được tin quân đội đang tiến vào, thông tin được loan báo nhanh chóng đến Quảng trường Thiên An Môn và các trường đại học, nhiều người đã tụ tập tại các ngã tư đường để cản xe quân đội.
21 giờ 00, nhiều sinh viên và người dân đã trở về nhà sau những lời cảnh báo, một số khác kéo đến các khu phố ngoại thành để chặn đường quân lính. Đại lộ Trường An vắng vẻ, chỉ còn khoảng 1.000 người biểu tình đứng ở đó. Nhưng vẫn còn vài chục ngàn người ở lại Quảng trường Thiên An Môn.