John McAfee: “Hacker nào chả hack được iPhone, Android an toàn hơn iOS nhiều nhé”
Tuesday, March 1, 2016 11:38
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
“Chúng tôi đang rất bận rộn, chúng tôi đang có một chiến dịch. Nếu anh đưa nửa triệu USD và nhờ tôi giải mã chiếc iPhone của anh thì tôi có thể suy nghĩ lại”.
![]() |
Huyền thoại bảo mật John McAfee |
Biên tập viên gốc Việt Nguyễn Tuấn của trang tin MaximumPc vừa có một cuộc trò chuyện với huyền thoại bảo mật máy tính, John McAfee, xung quanh vụ việc Apple từ chối yêu cầu mở khóa iPhone của tên khủng bố cho FBI.
Trong trường hợp bạn chưa biết, FBI và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu Apple tạo ra một phiên bản iOS có một “cổng sau” cho phép cơ quan chức năng truy cập vào iPhone của người dùng. Apple từ chối và tuyên bố rằng điều này sẽ làm suy yếu các công nghệ đang được dùng để bảo vệ con người và an ninh quốc gia.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi lược dịch lại toàn bộ cuộc nói chuyện để độc giả tiện theo dõi:
Tuấn: Tại sao FBI không tự hack iPhone? Tại sao họ lại phải nhờ Apple làm điều đó?
McAfee: Anh nghĩ vô dụng như FBI có thể hack iPhone sao, tôi không nghĩ vậy. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy chính phủ Mỹ chẳng biết gì an ninh mạng:
Thứ nhất, nó đã trở thành một bộ máy quan liêu khổng lồ, trong đó đó không một ai bị sa thải, cứ thăng quan tiến chức đều đều. Các phòng ban ngày càng lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của thế giới công nghệ. Họ có một công việc được đảm bảo trọn đời nên họ chẳng quan tâm tới việc ngày càng trở nên dốt nát. Thứ hai, họ sẽ không bao giờ thuê tin tặc, những người duy nhất có thể giúp họ.
Tại sao ư? Anh hãy tới Defcon hoặc Hack Miami hoặc bất kỳ cuộc tụ họp của các hacker nào khác hay mà xem. Khi tới đó, anh sẽ thấy lý do tại sao. Tại đó, không thiếu những hacker với mái tóc mohawk vuốt cao nửa dặm, khuyên đeo đầy tai và mặt có những hình xăm kỳ dị. Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ không thuê những người như vậy. Nhưng nếu anh tới Trung Quốc hoặc Nga và xông thẳng vào điện Kremlin hay cơ quan tương tự tại Trung Quốc và tuyên bố “Tôi là tin tặc xuất sắc nhất thế giới, hãy thuê tôi” chắc chắn họ sẽ trả lời “OK!”. Và nếu anh nói “Ok, chờ chút tôi phải hút một điếu đã trước khi nhận việc”, họ sẽ nói “Được thôi, chúng tôi sẽ đưa anh tới tầng hầm để anh có thể hút bao nhiêu tùy thích”. Tại sao lại như vậy? Vì họ đang ngày càng thông minh hơn nước Mỹ.
Nhân viên công sở Mỹ ngày càng quan liêu. Họ mặc những bộ đồ nghiêm chỉnh, giày da bóng lộn và hành động y hệt nhau. Không hề có sự sáng tạo, không có đột phá và không thể bắt kịp với tiến bộ công nghệ. Chúng tôi đang lạc hậu hơn 20 năm so với Nga và Trung Quốc.
Tuấn: Xét về lương bổng, tin đồn về việc Nga và Trung Quốc trả cho một hacker tới 500.000 USD một năm liệu có phải là sự thật hay không?
McAfee: Có thể lắm chứ. Hầu hết những hacker tham gia Defcon, những hacker mũ trắng, kiếm tiền bằng cách làm thuê cho các công ty không quan tâm tới vẻ bên ngoài của họ mà chỉ quan tâm tới việc họ nhìn thấy vấn đề trong hệ thống của công ty.
Đó là một con số rất lớn. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc hoàn toàn có thể chi nhiều như vậy hoặc hơn cho một hacker giỏi. Anh phải chi nhiều tiền mới có thể thuê được một hacker thực thụ, một người sinh ra đã có những kỹ năng của một hacker, một người có nhận thức bẩm sinh, có thể chỉ ra vấn đề khi nhìn vào màn hình dày kín những con số 0 và số 1. Chỉ 1 trong 1.000 người có thể làm như vậy.
Tuấn: Ông có nghĩ rằng Nga và Trung Quốc có công cụ giải mã iPhone?
McAfee: Anh đùa tôi đấy à, hack iPhone là một kiến thức phổ thông trong cộng đồng hacker. Không chỉ giải mã iPhone. Trung Quốc và Nga hoàn toàn có thể khiến Mỹ phải quỳ gối trước họ. Người Trung Quốc có thể ngừng hệ thống sản xuất điện của chúng ta và khiến chúng ta vĩnh viễn sống thiếu điện với một nút bấm. Đây là một thực tế mà mọi người trong cộng đồng hacker đều biết rất rõ. Mỹ đang tụt lại rất xa nhưng chẳng hiểu tại sao họ vẫn vỗ ngực tự khoe là một trong những cường quốc trên thế giới.
Tuấn: Ông đã từng viết rằng các quốc gia khác có thể dễ dàng xâm nhập vào hệ thống an ninh của Mỹ. Liệu họ có thể truy cập vào smartphone của cư dân Mỹ hay không?
McAfee: Tại sao lại không? Thực tế, tôi chắc chắn với anh rằng, ngay bây giờ Trung Quốc và Nga đang quỳ gối cầu nguyện rằng Apple sẽ mở “cửa sau” cho FBI. Nếu có thể, họ sẵn sàng trả hàng trăm tỷ USD để Tim Cook làm điều này. Tại sao? Vì nhờ vậy, họ sẽ có thể có quyền truy cập mọi thứ, điều khiển mọi thứ tại Mỹ.
Hiện giờ, FBI nghĩ họ nắm được điều này. Nhưng FBI và NASA không biết cách tối ưu dữ liệu. Chắc chắn họ (FBI và NASA) có thể truy cập điện thoại của mọi người nhưng có rất nhiều dữ liệu mà họ không thể tinh chỉnh và sử dụng. Nhưng Trung Quốc thì có thể. Tin tôi đi. Họ phát triển hơn chúng ta rất nhiều. Vì vậy, họ rất muốn Apple tạo ra “cửa sau”. Họ muốn thẩm phán liên bang ra lệnh cho Apple làm điều đó vì như vậy họ sẽ thắng trong cuộc chiến không gian mạng. Tại sao? Vì mọi đàn ông và phụ nữ ở Mỹ đều sử dụng smartphone.
Tuấn: Về máy tính thì sao?
McAfee: Máy tính ư, tôi chẳng quan tâm. Tôi không hề sờ tới máy tính trong cả năm vừa qua. Nghiêm túc đấy. Tôi làm mọi thứ, viết tất cả những bài viết bằng smartphone của tôi. Nó có bộ nhớ RAM cao hơn và chạy nhanh hơn so với máy tính của tôi. Và tôi có thể đút nó vào túi quần. Về cơ bản, máy tính đã không còn chỗ đứng.
Tuấn: iPhone và một ngân hàng lớn cái nào khó hack hơn?
McAfee: Một ngân hàng lớn?
Tuấn: Yeah!
McAfee: Một ngân hàng có lẽ dễ hack hơn vì anh có nhiều người hơn để đối phó với vấn đề kỹ thuật xã hội. Nếu anh có một nhóm 100 người với kỹ thuật xã hội tốt, anh có thể hack một ngân hàng trong vòng nửa tiếng. Tuy nhiên, hack chiếc iPhone của một người đã chết sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Tuấn: Ông có nghĩ rằng iPhone an toàn hơn so với một chiếc điện thoại Android?
McAfee: Hoàn toàn không. Một kiến trúc khép kín không bao giờ an toàn. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần rằng những kiến trúc khép kín thường kém an toàn nhất. Anh không có đủ người để theo dõi, đó chính là vấn đề.
Tuấn: Về những dịch vụ như Amazon, Netflix và Steam thì sao?
McAfee: Tôi không sử dụng những dịch vụ này vì tôi coi trọng sự riêng tư của bản thân và tôi không muốn ai đó theo dõi mình.
Tuấn: Tôi có thể đưa cho ông chiếc iPhone của tôi và nhờ nhóm của ông giải mã nó?
McAfee: Không thưa sếp. Chúng tôi đang rất bận rộn, chúng tôi đang có một chiến dịch. Nếu anh đưa nửa triệu USD và nhờ tôi giải mã chiếc iPhone của anh thì tôi có thể suy nghĩ lại, tuy nhiên câu trả lời cuối cùng vẫn là không.
Tuấn: Ông cho rằng Apple không nên tạo “cửa sau” trong hệ điều hành của họ. Vậy nếu nhóm của ông có thể trích xuất dữ liệu từ chiếc iPhone thì tại sao FBI không yêu cầu ông cung cấp cho họ phần mềm mà ông tạo ra để hack iPhone?
McAfee: Chúng tôi không tạo ra phần mềm hack iPhone mà thay vào đó sử dụng các công cụ, các công cụ tiêu chuẩn, để phân tích và tách điện thoại ra thành từng phần. Chúng tôi không viết một phần mềm mới để thực hiện việc này vì chúng tôi không có khả năng ấy. Chúng tôi không có mã nguồn của Apple, chỉ lập trình viên và kỹ sư của Apple mới có thể tạo ra một “cửa sau”. Vì vậy, chúng tôi sử dụng các công cụ tiêu chuẩn.
Ví dụ, khi anh có một chiếc xe hơi bị hỏng, anh tìm tới một thợ cơ khí và người thợ sẽ thay thế một số phụ tùng để sửa chiếc xe. Điều đó khác hẳn với việc anh tìm tới hãng xe và yêu cầu họ thiết kế lại chiếc xe để nó có thể chạy 300 dặm một giờ.
Tuấn: Ông đã từng chia sẻ về việc sử dụng kỹ thuật xã hội để hack iPhone. Điều đó có nghĩa là ông sẽ tự mình xâm nhập vào hệ thống của Apple hoặc có thể làm như vậy trong tương lai?