Có thể nói Nokia Lumia 920 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một sản phẩm tiên phong giúp hãng sản xuất điện thoại Phần Lan tiếp cận thị trường với Windows Phone 8. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn thiên về đối tượng khách hàng trẻ bởi thiết kế và màu sắc tươi tắn. Vì vậy. Lumia 925 là câu trả lời của Nokia đối với phân khúc khách hàng lớn tuổi hơn hay đơn giản là những bạn trẻ không thích nổi bật. Ngay sau khi Nokia bán ra Lumia 925 chính hãng thì mình cũng đã kịp thời trên tay sản phẩm này và dưới đây xin gởi đến các bạn bài đánh giá chi tiết.
Thiết kế:
Nếu như Lumia 920 mang lại cho bạn một cảm giác chắc chắn, nặng tay và màu sắc nổi bật thì Lumia 925 lại mang lại một trải nghiệm khác: sang trọng, mỏng nhẹ và vừa vặn hơn. Với kích thước 129 x 70,6 x 8,5 mm, trọng lượng 139 g, Lumia 925 nhỏ hơn, mỏng hơn và nhẹ hơn so với Lumia 920 mặc dù có cùng màn hình 4,5″.
Toàn bộ măt trước của Lumia 925 là lớp kính cường lực Gorilla Glass 2 bảo vệ cho phần màn hình bên trong. Các góc, viền màn hình được vát cong dần đến vị trí tiếp xúc với rìa kim loại. Nói đến đây, viền kim loại là điểm “ăn tiền” của chiếc smartphone này bởi không chỉ là duy nhất trong dòng Lumia, viền kim loại của Lumia 925 cũng rất khác biệt so với các smartphone khác bởi thiết kế bo cong từ trước ra sau, 4 góc và được hoàn thiện rất tinh xảo. Vì vậy, khi cầm máy trên tay, bạn sẽ cảm thấy Lumia 925 liền mạch, không cấn lòng bàn tay. Thêm vào đó, viền kim loại được làm hơi sần, tạo cảm giác tiếp xúc rất thích thú và cao cấp. Trên 2 viền máy gần các góc, Lumia 925 có các đường cắt khử nhiễu sóng. Các đường cắt này được thiết kế cân xứng để bảo toàn tính thẩm mỹ. Chiếc máy mình dùng là phiên bản màu đen nên viền kim loại cũng có màu xám đen, nếu phiên bản màu trắng hay xám thì viền kim loại sẽ nổi bật hơn.
Bố cục mặt trước của Lumia 925 không khác nhiều so với Lumia 920. Loa thoại vẫn nằm chính giữa, phía trên logo Nokia và bên phải là camera trước hỗ trợ cho cuộc gọi video như Skype, Tango. Dưới màn hình là 3 phím cơ bản của Windows Phone gồm Back, Start và Bing Search. Điều đáng chú là khu vực các phím này được thiết kế gọn hơn, không thừa khoảng trống như Lumia 920. Vì vậy, Lumia 925 hiển nhiên ngắn hơn so với người anh em 920. Các phím đều cảm ứng vậy khi chơi game hay dùng máy 1 tay thì tay có vô tình chạm vào phím làm ứng dụng thoát ra ngoài hay không? Mình đã thử chơi game trên Lumia 925 và mặc dù khu vực phím không chừa khoảng cách như Lumia 920 nhưng lòng bàn tay vẫn không bị chạm vào các phím. Ngược lại, hiện tượng này lại xảy ra nhiều hơn trên Lumia 920 bởi ngón cái phải với xa hơn vào màn hình, qua đó tiếp xúc vô tình với các phím cảm ứng.
Mặt sau của Lumia 925 là một lớp nhựa polycarbonate nhám, được thiết kế vuốt cong tương tự như mặt trước. Cá nhân mình thích lớp vỏ nhám bởi nó không gây cảm giác rít như vỏ nhưa bóng. Tuy nhiên, vỏ nhám không hẳn là hay bởi Lumia 925 rất dễ … tuột. Máy mỏng hơn, nhẹ hơn nhưng chính vì viền nhôm nhám và mặt sau cũng nhám nên nếu cầm không chắc thì máy sẽ dễ dàng tuột khỏi tay. Thật sự nếu bạn sử dụng một chiếc máy vỏ trơn nhẵn thì chính dấu vân tay và cảm giác rít sẽ tạo độ bám tốt hơn, điển hình như Lumia 920.
Măt sau cũng là nơi thể hiện sự khác biệt lớn nhất giữa Lumia 925 và Lumia 920. Nếu như loa ngoài của Lumia 920 được thiết kế trên cạnh đáy máy thì loa của Lumia 925 lại đặt ở măt sau dưới dạng một dãi các chấm nhỏ li ti. Phía trên loa là một socket tiếp xúc với vỏ sạc không dây. Do không tích hợp tính năng sạc không dây nên cũng dễ hiểu vì sao Lumia 925 lại mỏng hơn Lumia 920 đến 2,2 mm.
Tại măt sau, miếng kim loại khắc chìm dòng chữ Nokia và ống kính Carl Zeiss đã không còn và trên Lumia 925, dòng chữ được in thẳng lên bề mặt polycarbonate. Điểm khác biệt tiếp theo là cụm camera 8 MP trên Lumia 925 được thiết kế hơi lồi, phần kính bảo vệ bên ngoài lớn hơn và đèn flash được đặt chính giữa phía trên ống kính thay vì lệch sang bên trái như Lumia 920. Có thể bạn cho rằng camera lồi khiến thiết kế của Lumia 925 kém đẹp và bản thân mình cũng cảm thấy vậy. Tuy nhiên, Nokia khó có thể làm khác khi phải vừa giảm độ mỏng của máy, vừa bổ sung thêm 1 lớp thấu kính trong camera. Do lớp kính bên ngoài được làm hơi thụt vào trong so với vòng tròn khoét trên vỏ máy nên khe hở này dễ bám bụi.
Chuyển sang các cạnh máy, bố trí nút bấm của Lumia 925 vẫn tương tự các model khác của dòng Lumia với tuần tự các nút tăng giảm âm lượng, nút nguồn và nút camera đều được đặt trên cạnh phải. Nút bấm được làm mảnh hơn và cũng sử dụng chất liệu kim loại tiệp với màu viền máy. Trên đỉnh máy là khe SIM bên trái, cổng microUSB ở giữa, bên cạnh là jack tai nghe 3,5 mm và 1 chiếc mic khử nhiễu. Như Nokia đã giải thích lý do họ đưa cổng USB lên trên là vì vị trí cổng sạc không còn được ưu tiên nhiều như trước đây và người dùng đã bắt đầu quen với sạc không dây. Tuy nhiên, đây là điểm khiến mình chưa hài lòng nhất trên Lumia 925 bởi nó thật sự gây vướng víu khi phải vừa cắm sạc hay kết nối với máy tính vừa dùng máy.
Màn hình:
Nokia Lumia 925 được trang bị màn hình cảm ứng 4,5″ phân giải 1280 x 768 px. Với độ phân giải tương đương kèm công nghệ hiển thị PureMotion HD+, độ mịn của hình ảnh giữa Lumia 925 và 920 không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, Lumia 925 sử dụng công nghệ màn hình AMOLED trong khi Lumia 920 lại dùng IPS LCD. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái hiện màu sắc và góc nhìn của Lumia 925.
Đặc trưng của màn hình AMOLED là khả năng tái tạo màu sắc khá “nịnh” mắt. Cùng là 1 màu nhưng AMOLED luôn tươi và rực rỡ hơn LCD. Thêm vào đó, màu đen của AMOLED luôn thẳm và sâu nên trên Lumia 925 nếu để màu nền đen thì mình hầu như không thể nhận ra ranh giới giữa màn hình bên trong và viền màn hình bao ngoài. Có thể nói, màn hình AMOLED trên Lumia 925 rất phù hợp để thể hiện giao diện nền đen, Live Tile màu nổi của Windows Phone.
Về phần góc nhìn, màn hình của Lumia 925 hiển thị tốt ở mọi góc nhìn. Trái/phải, trên/dưới, nhìn ở góc độ nào thì màu sắc vẫn hầu như không đổi. Thêm vào đó, độ sáng màn hình của Lumia 925 cũng cao hơn so với Lumia 920 và kết hợp với theme màu sặc sỡ thì bạn sẽ cảm thấy hơi nhức mắt nếu mời dùng. Tuy nhiên, Nokia đã tích hợp thiết lập tùy chỉnh màu Color Profile, qua đó bạn có thể điều chỉnh lại tông màu cho màn hình cũng như độ bão hòa màu sắc tùy ý. Thêm vào đó, Nokia vẫn tích hợp công nghệ ClearBlack lên màn hình của Lumia 925. Khi sử dụng máy ngoài trời, cảm biến ánh sáng sẽ tự động điều chỉnh, nền sẽ bớt đen (chuyển sang hơi xám), các Live Tile được viền nổi lên (giống như highlight) cho phép mình xem nội dung trên màn hình rất dễ dàng.
Hiệu năng:
Về cấu hình, Lumia 925 được trang bị không khác gì so với Lumia 920, cụ thể:
- CPU: Qualcomm Snapdragon MSM8960 lõi kép, tốc độ 1,5 Ghz, cấu trúc Krait;
- GPU: Adreno 225;
- RAM: 1 GB;
- Bộ nhớ trong: 16 GB (phiên bản 32 GB chỉ dành cho nhà mạng Vodafone).
Mình đã cho Lumia 925 thử qua bài kiểm tra hiệu năng WP Bench để so sánh về điểm số với Lumia 920 thì kết quả như sau:
Thời gian xử lý các tác vụ của CPU và bộ nhớ được Lumia 925 thực hiện nhanh hơn một chút so với Lumia 920. Cụ thể, Lumia 925 mất chỉ 3922 ms để thực hiện bài test với CPU trong khi Lumia 920 mất đến 4578 ms. Tương tự với bài test bộ nhớ, Lumia 925 mất 5906 ms để hoàn tất trong khi Lumia 920 mất 6514 ms. Về GPU, Lumia 920 lại nhỉnh hơn về số khung hình với 978 frame còn Lumia 925 đạt 959 frame, tốc độ xử lý khung hình đều tương đương nhau – 32 F/s.