Để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh, không bị các “tác dụng phụ” khi bầu bí hành hạ, mẹ nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt.
- Kiểm tra sức khỏe trước lúc chuẩn bị mang thai là hoàn toàn cân thiết. Mẹ cần biết chắc chắn rằng tình trạng sức khỏe của vợ chồng mình có thể sinh ra em bé thật khỏe mạnh và phát triển toàn diện hay không. Đi kiểm tra sức khỏe sẽ cho mẹ biết những bệnh mẹ đang mắc phải hay các loại thuốc mẹ đang sử dụng có thể ảnh hưởng đến thai nhi hay không…
- Xem xét giảm bớt lượng công việc, đi ngủ sớm, tập thể dục thường xuyên, có một chế độ ăn uống lành mạnh… sẽ giúp mẹ kiểm soát sức khỏe tốt hơn. Từ đó sẽ tạo cho mẹ tâm lý thoải mái trong thai kỳ.
Chuẩn bị cho 9 tháng mang thai- “vượt cạn”- sau sinh
Việc chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đón bé yêu giúp mẹ cũng như ông xã có tâm lý ổn định trong thời gian mang thai. Lên kế hoạch trang trí phòng của bé, mua sắm quần áo, đồ dùng, đặt tên cho con, phân công công việc, trách nhiệm của hai vợ chồng sau sinh… là những việc chuẩn bị cần thiết nhưng đơn giản có thể hoàn thành ngay trong thời gian mang thai. Mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ giúp hai vợ chồng ứng phó với bất cứ tình huống đột xuất nào có thể xảy ra. Rõ ràng rằng nếu mẹ không có sự chuẩn bị trước, những tình huống bất ngờ sẽ rất dễ khiến mẹ cuống và bối rối.
Ngoài ra mẹ nên tham dự các lớp tiền sản, các lớp học sinh nở, chăm sóc bé sau sinh… bởi ”bản năng làm mẹ” sẽ giúp ích mẹ nhiều nhưng không phải tất cả, nhất là với những mẹ chưa từng có kinh nghiệm, có nhiều việc tưởng như đơn giản nhưng đến khi mẹ tiếp xúc mới thấy nó cũng là một vấn đề không hề dễ dàng.
Các lớp học tiền sản sẽ giúp mẹ không còn “bỡ ngỡ” với vai trò làm mẹ sắp tới (ảnh minh họa)
Tâm sự, chia sẻ thường xuyên trong thời gian mang thai
Cách tốt nhất để chuẩn bị tinh thần trước và trong khi mang thai đó là thường xuyên trao đổi về những lo lắng, sợ hãi, hy vọng cũng như mong muốn của mẹ. Mẹ sẽ trải qua rất nhiều cung bậc của cảm xúc:
- Tuần đầu mang thai: mẹ thường có tâm lý hồi hộp, đôi khi ngờ vực, lo sợ, tình cảm lẫn lộn.
- Ba tháng đầu: do bị ốm nghén, nhiều mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, cáu kỉnh và dễ quên.
- Ba tháng giữa: mẹ bắt đầu phát sinh những tình cảm đặc biệt với em bé, với người thân xung quanh do sự cử động của thai nhi, mẹ sẽ trở nên nhạy cảm, đa cảm hơn rất nhiều.
- Vài tuần cuối của thai kỳ: mẹ lại cảm thấy nặng nề và lo lắng về kỳ sinh sắp tới. Thậm chí nhiều mẹ còn có thể phát sinh tâm lý buồn chán, cô đơn.
Trò chuyện với ông xã, cha mẹ, anh chị em hay những người bạn thân thiết sẽ giúp mẹ giải tỏa căng thẳng, củng cố tinh thần và giảm bớt áp lực tâm lý thường xuất hiện khi mang thai. Nếu mẹ sống xa gia đình, mẹ có thể tham gia các diễn đàn trực tuyến dành cho phụ nữ, bà bầu để có thể chia sẻ tâm sự cũng như học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá từ các mẹ bầu khác.
2013-11-09 14:08:32
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/chuan-bi-tam-ly-truoc-khi-mang-thai-c85a158142.html