Như PV đã thông tin trong loạt bài “Bóng đá trẻ thành công, vai trò VFF ở đâu” vừa đăng về sự lãng phí của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ do VFF quản lý, cuối tuần qua, dư luận lại “nổi sóng” với phát biểu của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “Lẽ ra nơi này có tên Trung tâm tập huấn bóng đá QG, tuy nhiên để có sự đầu tư kinh phí của nhà nước cũng như FIFA, VFF phải đặt tên là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ…”.
>> Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Cầu thủ “xé rào”
>> Video: Tư duy chiến thuật một chạm hiện đại của U19 Việt Nam
>> Bóng đá Việt Nam và nỗi lo “thử kêu, đốt xịt”
>> BXH FIFA 10/2013: Việt Nam tụt xuống dưới cả…Myanmar
Để có thừng, phải quyết mua trâu
Trở lại thời điểm năm 2006 khi FIFA quyết định đầu tư cho VFF 400.000USD theo dự án Goal với điều kiện VN phải nhanh chóng có một Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Tất nhiên với số tiền tương đương 6 tỉ đồng thời điểm đó thì chỉ có thể làm được 1 mặt sân cỏ nhân tạo.
Để lấy bằng được 400.000USD từ Thụy Sĩ, VFF phải lên kế hoạch lấy từ ngân sách khoản tiền gấp 10 lần, tức là 60 tỉ đồng. Nên nhớ, khoản tài trợ đợt 1 năm 2001 cũng là 400.000 USD từ FIFA và VFF phải xin thêm Ủy ban TDTT 100.000 USD để xây trụ sở ở 18 Lý Văn Phức. Sau này, khu nhà 7 tầng này được VFF cho thuê.
Theo bản kế hoạch của VFF gửi FIFA, trung tâm đào tạo trẻ chỉ có 2 sân tập. Nhưng khi thực hiện, nó được “đội” lên thành 4 sân cùng các hạng mục khác.
Dự toán ban đầu chỉ là khoảng 60 tỉ đồng (để được Bộ Tài chính đồng ý), nhưng khi trung tâm hoàn thành, con số đã lên tới… 140 tỉ đồng, trong đó phần FIFA, chỉ có chưa đầy 10 tỉ đồng. Nói như ông Hỷ cũng đúng. Nếu theo cái tên Trung tâm tập huấn bóng đá QG thì Bộ Tài chính và Bộ VHTTDL không thể duyệt chi khoản ngân sách khổng lồ như vậy. Bởi nếu trung tâm chỉ để tập huấn, thì chỉ cần thuê Trung tâm HLTTQG 1 (Nhổn) như trước đây vẫn làm, hoặc thuê sân phụ của SVĐ Mỹ Đình (hiện CLB HN T&T đang thuê dài hạn) và quan trọng là không đến mức phải xây tới 4 sân (3 sân cỏ, 1 sân cỏ nhân tạo) trong đó riêng sân cỏ nhân tạo đã ngốn vừa hết khoản tiền của FIFA.
Vậy nên VFF phải “vẽ” ra cái gọi là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ mà chẳng có chức năng đào tạo, để có tiền đầu tư từ nhà nước. Sau đó dùng cơ sở vật chất ấy để cho thuê. Đã có tờ báo đặt vấn đề: Phải chăng VFF đã… lừa nhà nước để hưởng tiền ngân sách?
Tiền ngân sách đổ vào xây trung tâm, mỗi năm các đội tuyển tập huấn mấy ngày, còn lại cho thuê, thì tiền ấy đi đâu? Hiện giá thuê sân 11 người ở Trung tâm đào tạo trẻ vẫn ở mức 1,5 triệu đồng cho 90 phút thi đấu. Vậy một tháng, trung tâm này thu bao nhiêu? Ai quản lý? Đó vẫn là câu hỏi cần giải đáp.
Có một Vinalines ở VFF?
Sự lãng phí ở tổ hợp có vốn đầu tư 140 tỉ đồng ( 85% là ngân sách) là quá rõ ràng. Hoặc sự ra đời của trung tâm này nhằm có lợi cho một nhóm người.
Cho đến tháng 9.2013, khi VFF định “sửa sai” bằng cách gấp rút tuyển chọn 2 lứa cầu thủ (U.16 nam, U.19 nữ) với khoản tiền đầu tư từ ngân sách 56 tỉ đồng (8 tỉ đồng/ năm, chưa tính khoản FIFA hỗ trợ 500.000USD) lại xuất hiện thêm một lãng phí nữa.
Việc tập trung lứa tuổi U.16 để đào tạo đã được cảnh báo là không hiệu quả, phí tiền, nhưng VFF vẫn nhắm mắt làm. Đầu tiên là các trung tâm mạnh về bóng đá trẻ dứt khoát không đưa quân cho VFF, các cầu thủ hiện tại chỉ “trung bình” được “nhặt” ở các VCK bóng đá trẻ và từ các địa phương không có điều kiện làm bóng đá trẻ. Thứ nữa là việc tuyển sinh cầu thủ ở lứa tuổi 16 là sai quy trình, vì ít nhất để đào tạo dài hạn, lứa tuổi tuyển chọn phải là 12-13 tuổi (như cách làm của HAGL Arsenal JMG hiện nay).
Chính HLV Lê Tuấn Long của đội U.16 đang tập trung cũng thừa nhận: “Lứa tuổi 16 cũng không thực sự phù hợp cho việc huấn luyện kỹ thuật cơ bản. Theo tôi thì lớp này phải hình thành từ những lứa tuổi 11, 12, 13 thì dễ uốn nắn kỹ thuật cơ bản hơn”.
Biết không hiệu quả mà vẫn cố xin tiền ngân sách để làm, như vậy có cố tình lãng phí?
Sau loạt bài “Bóng đá trẻ thành công, vai trò VFF ở đâu?” đăng trên Lao Động, một bạn đọc đã gửi thư bình luận rằng: “VFF sắp tạo ra một ụ nổi quy mô như ụ nổi của Vinalines. Một bên là mất hàng trăm tỉ vào trung tâm đào tạo bóng đá phủi, một bên là hàng trăm tỉ mua ụ nổi sắt vụn mang về để phơi gió phơi sương. Tiền của thì cứ trôi sông trôi biển, một tổ chức ngành nghề mà người đứng đầu chả biết gì về chuyên môn. Một tổ chức đông đảo, cơ cấu cồng kềnh mà tính toán không bằng 1/10 của bầu Đức. Đúng là không phải tiền túi nên không phải đau đầu suy nghĩ”.
>> Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Cầu thủ “xé rào”
>> Video: Tư duy chiến thuật một chạm hiện đại của U19 Việt Nam
>> Bóng đá Việt Nam và nỗi lo “thử kêu, đốt xịt”
>> BXH FIFA 10/2013: Việt Nam tụt xuống dưới cả…Myanmar
2013-10-20 19:24:23
Nguồn: http://www.bongda.com.vn/Cac-doi-tuyen-quoc-gia-VN/299791_VFF_va_tuyet_chieu_moc_tien_ngan_sach.aspx