Các phương tiện truyền thông phương Tây loan tin: Mỹ có thể không kích vào Syria bằng tên lửa trong ba ngày, bắt đầu từ ngày mai 29/8. Để chuẩn bị, ít nhất Mỹ đã điều động 4 tàu khu trục tên lửa hiện đại lớp Arleigh Burke đậu trước cửa nhà đối thủ. Vậy, Syria có phải là đối thủ dễ nhằn giống như Iraq hay Libya?
Với lực lượng cũng như các hệ thống vũ khí tiên tiến như các hệ thống tên lửa chống hạm Bastion P-300, Redut, Rubezt; các hệ thống phòng không S-300, S-125 Pechora, HQ-09, Pansir…, Syria là đối thủ không hề dễ nhằn với Mỹ và phương Tây. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào tinh thần, ý chí chiến đấu của các lực lượng quân sự Damacus.
Hệ thống phòng không Pansir
Lực lượng Mỹ và Phương Tây:
Hải quân Mỹ đang sắp xếp lại vị trí một số tàu, trong đó có 4 tàu khu trục tên lửa USS Gravely, USS Ramage, USS Barry cũng như USS Mahan, và có thể cả một tàu ngầm tên lửa ở phía đông Địa Trung Hải. Mỹ còn có các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, có thể được dùng để tấn công. Hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Harry Truman cũng ở trong khu vực, tại vịnh Persian và gần vịnh Aden.
Tàu khu trục tên lửa USS Gravely
Các khu trục lớp Arleigh Burke có 90 (lớp flight 1) hoặc 96 (lớp flight 2) ống phóng thẳng đứng có thể phóng đi nhiều loại tên lửa khác nhau như: tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa Harpoon chống tàu chiến, tên lửa RIM-66 chống máy bay, tên lửa chống tên lửa, tên lửa chống tàu ngầm… |
Tàu ngầm HMS Tireless lớp Trafalgar của Anh cũng có thể đã xuất hiện ở eo Gibraltar, lối vào Địa Trung Hải, hồi cuối tuần qua. Tàu ngầm này có đủ năng lực phóng tên lửa hành trình tới Syria. Nhóm lực lượng phản ứng nhanh của hải quân hoàng gia Anh bao gồm trực thăng hạm HMS Illustrious và tàu frigate HMS Montrose, HMS Westminster cũng đang ở khu vực trong một cuộc triển khai được lên lịch trước đó. Anh được cho là mới đây di chuyển một số máy bay quân sự và chiến đấu cơ tới căn cứ Akrotiri trên đảo Síp, cách bờ biển Syria hơn 160 km.
Tàu sân bay Charles de Gaule của Pháp hiện ở Toulon, phía tây Địa Trung Hải. Các chiến đấu cơ Rafale, Mirage cũng có thể xuất kích từ căn cứ không quân Al-Dhahra ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Cho đến nay, theo những gì được tiết lộ: Trong 3 ngày tới sẽ chỉ có các đợt tấn công bằng tên lửa của 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Tàu sân bay USS Nimitz
Vũ khí khí tài của Syria:
Không kích – Lưới lửa đang chờ. Ngày 19.07.2012 lực lượng nổi dậy Syria thu được từ quân chính phủ 1 bộ radar kiểu 120, bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tên lửa phòng không cơ động tầm cao, tầm xa tiên tiến Hồng Kỳ-9 (HQ-9) của Trung Quốc. Radar 120 được chuyên chở trên xe vận tải hạng nặng, có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái chiến đấu sau 15 phút, cứ sau 10 phút tác chiến lại tắt máy và di chuyển, cự li sục sạo tối đa là 300km. Hồng Kỳ – 9 được coi là có tính năng tiệm cận với Patriot của Mỹ và S-300 của Nga với tầm bắn tối đa 200km, vận tốc siêu âm 4.2 Mach, độ cao tác chiến tối đa 30km.
Một lữ đoàn tên lửa HQ-9 của Trung Quốc được cấu thành bởi 2 bộ phận là: bộ tư lệnh lữ đoàn (gồm 01 xe chỉ huy, 04 xe thông tin và xe sửa chữa) và 06 tiểu đoàn tên lửa. Mỗi tiểu đoàn bao gồm 01 xe điều khiển tên lửa, 01 xe radar chỉ thị mục tiêu, 01 xe radar sục sạo và 08 xe phóng tên lửa, mỗi xe phóng tên lửa mang theo cơ số đạn là 04 quả. Với độ cao, tầm bắn xa và hiệu quả tác chiến của HQ-9, hầu như tất cả các máy bay chiến đấu tối tân nhất trên thế giới hiện nay đều có thể bị nó bắn hạ. Một tính năng đặc biệt quan trọng nữa là HQ-9 có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình ở giai đoạn cuối với khoảng cách tác chiến 30km.
Tên lửa BGM-109 Tomahawk dài 6,2m, đường kính 0,52m và nặng tới 1.300 kg. Động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams International F107-WR-402 s, Tomahawk là là tên lửa tấn công hành trình có tốc độ bay cận âm (880 km/h). |
Bên cạnh đó, khả năng phòng không của Syria là rất mạnh với hơn 900 hệ thống phòng không và 4.000 khẩu pháo phòng không các loại tạo thành hệ thống phòng không dày đặc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều tổ hợp hiện đại như: hệ thống Pantsyr-S1; Pechora 2M; Buk M-2E và 48 tổ hợp S-200 “Angara” do Liên Xô sản xuất và một số bệ phóng được cho là của loại tên lửa phòng không tối tân S-300 của Nga. Trong đó, hệ thống Pantsyr-S1 (Nato gọi là SA-22 Greyhound) là tổ hợp pháo phòng không cực hiện đại với pháo tự động 30mm 2A72, radar và tên lửa đối không 57E6-1. Loại tên lửa này có vận tốc 1300m/s (tương đương mach4), tầm bắn 20km, trần bắn tối đa 15km.
Pechora 2M là biến thể nâng cấp rất hiện đại của hệ thống S-125 Neva/Pechora (hay SAM-3, tên ký hiệu NATO SA-3 Goa). Trong quá khứ, hệ thống S-125 Neva/Pechora đã chứng minh hiệu quả khi bắn hạ một chiếc máy bay tàng hình F-117 Nighthawk vào ngày 27.3.1999 và một chiếc F-16 của NATO vào ngày 2.5.1999 trong chiến tranh Kosovo.
Trong các cuộc chiến tranh khác, SA-3 và các hệ thống SAM khác đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái của NATO và Mỹ. Pechora 2M được nâng cấp mạnh về radar và tên lửa, nó sử dụng tên lửa 5V27D và 5V27DE, tầm bắn từ 3,5 đến 35 km, độ cao tối đa trên 20 km. Hệ thống Buk M-2E là biến thể hiện đại nhất của hệ thống Buk (Cây sồi), ra đời năm 2008, có khả năng ngắm bắn cùng lúc 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu khác. Nó sử dụng tên lửa 9M317 (Nato gọi là SA-17 Grizzly) có tầm bắn 3-50km, độ cao tối đa 25km với vận tốc đạt tới Mach4.
Lá chắn biển hỗn hợp: Trong cuộc diễn tập bảo vệ bờ biển tháng 7.2012, Syria đã trình làng một loạt các hệ thống tên lửa chống hạm tiên tiến của Nga và Trung Quốc như: SS-C-1B Sepal, C-802 Noor, SSC-3 Styx/SS-N-2, SS-C-5/SS-N-26 (P-800) Yakhont làm Mỹ và các nước phương Tây vô cùng bất ngờ và lo lắng. Hệ thống phòng thủ của Syria cực mạnh về các loại tên lửa đất đối hải, mà nòng cốt là bộ ba “lá chắn biển” tương tự như Việt Nam. Bộ 3 này bao gồm: Tổ hợp tên lửa đất đối hải 4K51 Rubezh, Tổ hợp tên lửa 4K44B REDUT-M và Tổ hợp tên lửa K-300P Bastion
Hệ thống phòng thủ tên lửa biển Bastion
Tổ hợp 4K51 được đặt trên các xe mang 3P51 (cải tiến dựa trên xe vận tải hạng nặng MAZ-543), sử dụng để đặt radar điều khiển hỏa lực cùng cụm ống phóng KT-161. KT-161 chứa hai tên lửa hành trình đối hạm tốc độ cận âm P-15 Temit (P-15M, Nato gọi là SS-N-2 styx), có tầm bắn tối đa 80km, tốc độ 0,9Mach, bay cách mặt nước 25-50m. Tổ hợp tên lửa đối hải 4K44B REDUT-M (NATO gọi là SS-C-1B Sepal) sử dụng tên lửa P-35 (phiên bản thứ 3 của P-5) được nâng cấp từ tổ hợp nguyên mẫu là 4K44B REDUT (NATO gọi là SS-C-1 Shaddock) sử dụng tên lửa bờ đối hạm P-5 Pyatyorka (Nayo gọi là SS-N-3), ra đời vào năm 1960. P-35 (Nato gọi là SS-N-3B) là tên lửa siêu âm được Liên Xô nghiên cứu có tầm bắn 460 km, tốc độ 1,4 Mach. Đây là loại tên lửa có đầu nổ công phá lớn, có thể phá hủy được các loại tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 20.000 tấn.