Ngày 13/10/2011, cả thế giới nao nức với những bức ảnh đám cưới đẹp như cổ tích giữa Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và cô gái thường dân xinh đẹp Jetsun Pema. Vietnam Net xin giới thiệu tới bạn đọc thông tin về đất nước Bhutan, đất nước của cổ tích diệu kỳ.
![]() |
Vua và hoàng hậu Bhutan (nguồn ibtimes.com) |
Chiếc máy bay nghiêng cánh trên bầu trời Bhutan – một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới – đang nằm ẩn mình trên rặng Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Xuyên qua những đám mây trắng, một vẻ đẹp hùng vĩ trải rộng trước mắt tôi: những dãy núi trùng điệp cao chót vót, những vực sâu thăm thẳm ẩn hiện dòng thác trắng xóa tỏa miên man. Một màu xanh mơn mởn, ngút ngàn làm dịu đi tia nắng mặt trời.
Đến được Bhutan quả không phải dễ dàng. Tận giữa thế kỷ 20, quốc vương bé nhỏ này hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Chỉ đến năm 1974, Bhutan mới mở cửa đón khách du lịch. Để bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của mình và bảo tồn truyền thống văn hóa, hoàng gia Bhutan quyết định hạn chế số lượng du khách đặt chân đến nơi này (năm 2009, tổng số khách du lịch đến Bhutan vẻn vẹn 23.480 người). Mỗi khách du lịch phải đóng ít nhất 200 USD cho mỗi ngày ở Bhutan để thanh toán chi phí tour trọn gói do một công ty du lịch Bhutan thu xếp. Visa và hành trình cho mỗi chuyến công du được kiểm soát nghiêm ngặt.
Để đến được Bhutan, tôi bay sang Bangkok, sau đó dừng chân tại Calculta (Ấn Độ) trước khi đáp xuống sân bay Paro. Chuyến bay từ Bangkok phải khởi hành từ 4 giờ sáng, vì sân bay Paro rất hiểm trở và thời gian đáp xuống an toàn nhất là từ 9-10 giờ sáng. Chỉ có một đội bay gồm tám phi công Bhutan với nhiều năm kinh nghiệm được phép bay đến sân bay Paro. Tất cả các máy bay riêng của các nguyên thủ quốc gia và các tỉ phú đến thăm Bhutan bằng phi cơ riêng, đều nhờ đến tài điều khiển của tám phi công này.
![]() |
Quang cảnh nhìn từ trên cao |
Tôi được xếp ngồi bên trái của máy bay, cạnh cửa sổ. Đây là vị trí mà bất cứ khách du lịch nào đến Bhutan cũng phải chọn, vì tại vị trí này, bạn sẽ thấy nóc nhà của thế giới – đỉnh núi Everest phủ tuyết nhô lên trên những tầng mây. Và, kìa, mọc trên những tầng mây là các đỉnh núi trắng lung linh trong nắng. Đỉnh Everest rất gần, tưởng như tôi có thể với tay là chạm được.
Khi máy bay giảm độ cao, chúng tôi bắt đầu lượn lờ giữa trùng trùng điệp điệp các ngọn núi xanh thẳm. Phi công lên tiếng trấn an khi có một vài hành khách tỏ vẻ lo sợ, vì máy bay đang áp sát các ngọn núi. Tiến gần đến thành phố cổ Paro, nơi tọa lạc sân bay quốc tế, Bhutan càng lộng lẫy hơn với tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang đang ngả sang màu vàng ươm của lúa chín. Và, ngự trị trên gập ghềnh đồi núi là những căn nhà gỗ được thiết kế theo kiến trúc truyền thống Bhutan – những ngôi nhà độc lập, đứng lẻ loi như thách thức với đất trời.
Đặt chân xuống Paro, tôi như lạc vào một câu chuyện cổ tích. Đền chùa, nhà cổ nằm san sát nhau. Những ông thầy tu khoác áo cà sa đỏ ngồi chụm vào một góc thầm thì. Những bát hương Bhutan tỏa hương thơm trầm hoặc. Những khung cửa sổ treo đầy ớt chín đỏ. Những người bán hàng đứng dựa cửa, lơ đãng nhìn ra phố. Quá khứ như dừng lại ở đây.
![]() |
Paro yên bình |
Nằm cạnh Ấn Độ và Tây Tạng, với số dân khiêm tốn khoảng 700.000 người, Bhutan là địa điểm vàng của những du khách muốn khám phá những miền đất lạ. Theo khảo sát của Đại học Leicester (Anh Quốc), Bhutan là nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất châu Á, và cao thứ 8 trên thế giới. Năm 1972, khi lên ngôi, vua Bhutan Jigme Singye Wangchuck đã đặt ra khái niệm Gross National Happiness (GNH – Tổng Hạnh phúc Quốc gia), để thay thế cho khái niệm GNP (Gross National Product – Tổng Sản lượng Quốc gia) để đo lường sự phát triển của Bhutan. Khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc gia GNH đang thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia và những nhà kinh tế học. Nhiều nước đang nhận ra rằng, họ có Tổng Sản lượng Quốc gia cao, nhưng người dân sống không hạnh phúc, và các quốc gia được cho là thịnh vượng đang phải đối đầu với tình trạng thất nghiệp, tự tử, bạo lực, bất ổn xã hội ngày càng gia tăng.
Đã có nhiều nghiên cứu về các chỉ số hạnh phúc của người dân nơi đây, nhưng tôi muốn được tự mình khám phá về khái niệm “hạnh phúc” trong chuyến đi này. Điều gì, điều gì làm con người hạnh phúc?
Trong vài tiếng ở thành phố Paro (tọa lạc ở độ cao 2.280 m), có lẽ tôi đã bị nhiễm “virus hạnh phúc”, vì có thể lang thang hàng giờ quanh các ngôi nhà cổ, đền chùa cổ mà không bị bất cứ ai làm phiền. Xung quanh tôi, những người dân Bhutan hiền hòa với nụ cười luôn nở trên môi thong thả thực hiện các công việc thường ngày của họ. Dường như, họ không bị áp lực của cuộc sống công nghiệp đang bao trùm các nước lân cận. Mỗi người trong số họ đều tự hào khoác trên người những bộ quần áo truyền thống dân tộc nhiều màu sắc. Đàn ông nhìn thật khỏe khoắn trong trang phục gho, còn đàn bà thì dịu dàng, nữ tính trong trang phục kira.
![]() |
Nụ cười thân thiện của các thiếu nữ |
Theo chân những người trong số họ, tôi bước chân vào một đền thờ cổ mang phong cách Tây Tạng. Và cũng theo chân họ, tôi đã đi quanh các vòng xoay prayer wheels trong đó chứa đựng hàng ngàn lời khấn nguyện. Chỉ cần quay các vòng xoay này, tôi có thể gửi hàng ngàn lời khấn nguyện đó lên trời, đem may mắn đến cho mình và cho người thân. Nhìn thái độ kính cẩn và nghiêm trang của những người có mặt, tôi cảm nhận rằng, người Bhutan có một đức tin sâu sắc vào Phật giáo. Điều đó ảnh hưởng đến tính cách hiền hòa, nhân hậu của họ. Cũng chính vì thế, Bhutan thường được miêu tả là nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại trên thế giới.
Bước vào một cửa hiệu bán đồ cổ, tôi mê mẩn trước những bức vẽ thanga, những đồng tiền, thổ cẩm truyền thống, đồ trang sức, những bức tượng Phật…Tuy nhiên, gọi mãi chẳng thấy người bán hàng ở đâu. Khi tìm được người chủ cửa hiệu, trả lời câu hỏi của tôi, chị cười và vui vẻ nói rằng từ trước tới giờ, cửa hiệu chưa bao giờ bị kẻ trộm viếng thăm, mặc dù hàng hóa có giá trị rất cao và rất dễ bị lấy cắp. Những người bạn Bhutan của tôi sau này cũng cho biết, thường họ không cần phải khóa cửa nhà khi đi ngủ, vì nạn trộm cắp và bạo lực dường như không có ở Bhutan.
Có lẽ người Bhutan hạnh phúc vì họ được sống trong một thế giới an ninh, nơi niềm tin ngự trị?
Bảo tồn truyền thống văn hóa luôn là tiêu chí cao nhất của người dân Bhutan. Vì thế, khi đến đây, du khách được sống trong những tập tục từ nghìn năm nay. Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi đã được chứng kiến những cuộc chơi bắn cung của các chàng trai. Đích bắn rất xa, thử tài của các xạ thủ. Bất cứ khi nào chàng trai bắn trúng, các cô gái lại hát và múa, rồi sau đó trao cho chàng một dải lụa màu để buộc vào lưng. Nhìn vào đám đông, người bắn giỏi nhất sẽ nổi bật nhất bởi những dải lụa màu sắc trên lưng họ. Bắn cung cũng là môn thể thao quốc gia của Bhutan, với nhiều cuộc thi bắn cung được tổ chức thường xuyên giữa các làng bản, thị trấn…
![]() |
Cuộc thi bắn cung |
Những con phố gập gềnh đá đưa chân tôi đến Rinpung Dzong (còn gọi là Paro Dzong). Đứng trước tu viện được thiết kế như một pháo đài vững chắc này, được xây dựng từ năm 1646 và bị phá hủy nhiều lần bởi hỏa hoạn và động đất, tôi phải gật gù tán thưởng với những ý kiến trên các tạp chí kiến trúc rằng “kiến trúc Dzong là một trong những kiến trúc độc đáo và đẹp nhất châu Á”. Khó có thể tin rằng, kiến trúc đẹp một cách tinh xảo này được xây dựng mà không sử dụng bản vẽ thiết kế hoặc bất cứ một chiếc đinh vít nào. Các tảng gỗ đã được lắp ghép vào nhau rất khéo léo, tạo nên một tòa nhà đẹp kì vĩ, bền chắc, đứng vững với thời gian. Những câu chuyện truyền thuyết thần kỳ và bí ẩn về Bhutan đang dần hiện trước mắt tôi qua những nét trạm trổ tinh tế.