Chị Phạm Thị Cúc Hà, Quản lý Trường Mầm non Just Kids, được nhiều bố mẹ ủng hộ vì cách dạy trẻ “rất Tây” mà hiệu quả, chị chia sẻ nhiều thông tin nuôi dạy con cực kỳ bổ ích.
Bố mẹ không nên kỳ vọng vào con quá nhiều
Chị Phạm Thị Cúc Hà tốt nghiệp ĐH Sư phạm Voronezh (LB Nga) năm 1995, Thạc sỹ Giáo dục tại Đại học Flinders (Úc) năm 2004.
Sau khi về Việt Nam, dạy tại trường mẫu giáo Quốc tế Saigon Kids (TPHCM), Đại học Văn Lang, tham gia làm dự án, giám đốc marketing…
Chị mở trường Mầm non và trung tâm Just Kids tại Hà Nội từ năm 2007.
Trên các diễn đàn, chị Hà rất được các mẹ tín nhiệm vì những chia sẻ khoa học và bổ ích trong việc nuôi dạy con, đặc biệt là cách dạy tiếng Anh cho trẻ.
Website: http://justkids.com.vn/
Blog: http://vn.myblog.yahoo.com/justkids6868
|
Làm mẹ của 4 con, chắc mỗi tối chị phải mệt lắm khi “hò hét” con ăn ngủ, học hành?
Không căng thẳng tẹo nào. Đến giờ học, con tôi tự ngồi vào bàn như một thói quen tự nhiên thôi. Từ hồi con học lớp mẫu giáo chuẩn bị lên lớp 1, mẹ đã “đặt lịch”, ví dụ từ 7-8 giờ, con tập tô chữ… Đến bây giờ, mỗi ngày con cũng chỉ cần học ở nhà tối đa là 1 giờ.
Mẹ con tôi luôn thảo luận làm lịch tuần, lịch tháng. Ví dụ, các ngày trong tuần đều làm bài tập về nhà. Thứ 2 con làm thêm toán nâng cao, thứ 3 đọc sách tiếng Anh, thứ 4 luyện đàn… Luôn thỏa thuận trước khi lên kế hoạch cho con. Khi đã thống nhất, nếu con làm sai, mình chỉ cần chỉ vào lịch thôi.
Quan trọng hơn là làm thế nào để con phải thích học. Tôi không phải bắt ép con đi học thêm một lớp nào cả ngoài những lớp con thật sự thích. Có hôm con tôi bị ốm, không đi học lớp kịch bằng tiếng Anh được, “vật vã” lắm. Mẹ phải mang máy tính đến lớp, mở webcam để con xem cô và các bạn làm gì.
Học ít thời gian thế, chị không sợ con kém các bạn khác sao?
Tôi nghĩ thế là quá đủ đối với một đứa trẻ. Tuy nhiên đấy là con tôi và có thể tôi hài lòng với cách dạy của mình. Có thể con tôi không bằng các bạn khác nhưng không quan trọng. Quan trọng là con có nhiều hoạt động và học được rất nhiều qua các hoạt động đó, và các con mình dùng thời gian một cách có ý nghĩa.
Dù bận bịu hay mệt thế nào, buổi tối tôi vẫn đọc (mặc dù chúng nó đã biết đọc và vẫn có thời gian tự đọc truyện) hoặc kể chuyện cho các con nghe trước khi đi ngủ. Một tuần hoặc hai tuần mẹ cố gắng sắp xếp một buổi dẫn con đi mua sách, mỗi tối thứ 7 hoặc chủ nhật là mẹ con lại xem phim hoặc DVD do các con tự chọn, hay đi xem ở rạp, cũng bỏng ngô rồi “bàn tán” với nhau. Tôi thấy những điều đó mang nhiều lợi ích hơn là chỉ ngồi ở bàn và học.
Tôi nghĩ mấu chốt là ở bản lĩnh của bố mẹ. Bố mẹ dám chấp nhận con mình như đúng khả năng của nó, không bắt con gồng mình vượt quá khả năng của mình và sẽ mãi là những điểm tựa cho con mình về sau.
Tôi làm việc với giáo viên nước ngoài nhiều. Cái khác biệt là họ luôn kêu gọi giáo viên Việt Nam là phải đứng ra xa, bình tĩnh, để đứa trẻ có thời gian suy nghĩ trả lời, để cho trẻ con được phép sai. Bố mẹ cũng phải cho con cơ hội, phải chấp nhận con có thể sai, thất bại. Như thế con mới tự tin, tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình.
Có người nhận xét: “Cách dạy con của chị quá Tây” so với môi trường ở Việt Nam?
Không hề. Đó là cách cho con phát triển tự nhiên.
Ở nước ngoài, đi vào quán cafe, nhìn thấy mẹ nào đút cho con ăn khi đã có khả năng tự xúc rồi thực sự là một chuyện kỳ dị. Ở Việt Nam lại nhan nhản. Thực ra đứa trẻ không bao giờ nghĩ phải có ai xúc cho nó ăn. Tại bố mẹ cứ tạo ra thói quen. Đứa trẻ ăn cho người lớn vui chứ đâu phải ăn cho đứa trẻ. Cứ dần dần, trẻ sẽ bị thụ động.
Nhiều mẹ muốn cho con tự xúc ăn nhưng sợ bẩn. Bẩn nhà, bẩn mặt, bẩn quần áo. Muốn con đến trường nhiều hoạt động, nhiều sáng tạo, nhưng chiều mẹ đón thấy con đầu tóc bù xù, quần áo lấm lem thì kêu cô giáo. Ra đường, con phải mặc bộ này cho đẹp để mẹ hãnh diện, con phải ăn món này cho bổ. Làm thế thì bao giờ con mới độc lập được.
Con nhà tôi tập xúc ăn từ khi có thể cầm thìa được con nhỏ, còn thực sự tự xúc ăn từ 3 tuổi. Nếu con ăn chậm, mẹ có thể xúc sẵn cơm vào thìa để con đưa lên mồm tự xúc. Phòng các con cũng tự dọn. Không được gọn gàng như người lớn làm, bẩn một tí cũng được.
Nhiều bố mẹ cũng muốn áp dụng học Tây cách dạy con ngoan, nhưng còn e dè nhiều điều…?
Tôi nghĩ không phải Tây cái gì cũng đúng, cũng hay. Tôi học được nhiều điều từ mẹ tôi, một cô giáo ở quê chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài, khi giáo dục anh chị em tôi. Dạy con là cả một chiến lược mình lựa chọn lâu dài phù hợp cho từng đứa trẻ, hoàn cảnh của mình và chiến lược đó có thực hiện được hay không lại do cái văn hóa, hành vi, cách làm hàng ngày của mình. Chiến lược phải phù hợp với văn hóa, và văn hóa phải phù hợp với chiến lược.
Cách giáo dục tốt nhất là dành thời gian cho con
Chị cũng nên châm chước bố mẹ còn bận đi làm, việc nuôi dưỡng con ở nhà đành nhờ cậy ông bà?
Có thể bố mẹ bận đi làm. Có thể ông bà là người trực tiếp trông con, nhưng quan trọng là bố mẹ phải luôn tận dụng, dành thời gian cho con. Tôi đã đến nhà nhiều người, thấy mẹ ngồi xem tivi, con chơi máy tính. Tôi hỏi, người mẹ đó bảo: “Không cho con chơi điện tử thì biết làm gì với con bây giờ?”
Tôi không chấp nhận chuyện bao biện cho việc không có thời gian cho con. Là người quản lý trường thật đấy nhưng tôi nghĩ gia đình bao giờ cũng quan trọng hơn nhà trường. Trường có tốt đến mấy thì cũng chỉ đóng góp không quá 50% cho việc giáo dục con cái. Vậy nên thay vì dành thời gian đi kiếm nhiều tiền để cho con đi học trường thật xịn, thật đắt, bố mẹ hãy nghĩ đến việc dùng thời gian đó cho con.
“Dành thời gian cho con” không có nghĩa là kiểm tra bài tập, ngồi bên cạnh khi con học bài. Khi con hỏi bài, tôi đều giành thời gian để xem con khúc mắc ở đâu, gợi mở cho con. Còn nếu không thắc mắc, chúng nó tự học. Tôi ít khi kiểm tra bài của con. Bài tập của con đã có cô giáo kiểm tra ở lớp, tôi không đủ thời gian kiểm tra con làm đúng hay sai ở nhà, căn bản là tôi biết nó đã làm, còn đúng sai khi cô giáo chữa bài ở lớp con sẽ tự rút ra.